Nội dung Thư_gửi_tín_hữu_Rôma

Chủ đề chính của bức thư là sự cứu rỗi được ban cho qua Phúc âm của Chúa Giê-xu (1:16-17). Phao-lô lập luận rằng tất cả nhân loại đều phạm tội và phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời về tội lỗi; chỉ có giải pháp duy nhất qua sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu mà nhân loại có thể nhận được sự tha thứ. Do đó, Đức Chúa Trời vừa là người xét xử vừa là người biện hộ. Để đáp ứng lại hành động cứu rỗi nhân từ, quyền uy và rộng lượng của Đức Chúa Trời, nhân loại có thể được làm cho công bình bởi đức tin. Phao-lô dùng thí dụ của Abraham để minh họa rằng bởi đức tin chứ không bởi việc làm khiến cho nhân loại có thể nhận được sự công chính trước Đức Chúa Trời.

Sự bảo đảm về sự Cứu Rỗi

Từ chương 5 đến 8, Phao-lô lập luận rằng người tin có thể được bảo đảm về hy vọng nơi sự cứu chuộc, được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Phao-lô dạy rằng, qua đức tin (3:28; 4:3), người tin sẽ được hiệp trong Chúa Giê-xu (5:1) và được tự do khỏi tội lỗi (6:1–2, 18). Tín hữu nên vui mừng vì sự cứu chuộc được đảm bảo (12:12). Lời hứa này dành cho tất cả mọi người, vì mọi người đều phạm tội (3:23), được cứu nhờ Chúa Giê-xu đã trả giá cho mọi người (3:24).

Từ chương 9 đến 11, Phao-lô trình bày sự thành tín của Đức Chúa Trời với Do Thái, và ông nói Đức Chúa Trời đã thành tín với lời hứa của Ngài. Phao-lô hy vọng tất cả người Do Thái sẽ nhận biết chân lý (9:1–5) vì chính ông cũng là người Do Thái (11:1), và ông từng là người bách hại Chúa Giê-xu. Trong Rô-ma chương 9-11, Phao-lô trình bày vì sao quốc gia Do Thái bị từ bỏ và điều kiện để người Do Thái được Chúa chọn trở lại: đó là lúc thân thể của Chúa (là những người đã được Chúa trả nợ tội lỗi) không tiếp tục trung tín (11:19–22).

Phúc âm biến đổi người tin

Trong Rô-ma 7:1, Phao-lô nói rằng khi chúng ta sống, nhân loại phải sống dưới luật lệ: "Anh em chẳng biết rằng,..., luật lệ kiểm soát trên một người khi họ còn sống?" Tuy nhiên, sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự đã khiến người tin chết dưới pháp luật (7:4, "Do đó, anh em của tôi, anh em cũng như người đã chết dưới pháp luật nhờ thân thể Chúa Cứu Thế").

Từ chương 12 đến phần đầu của chương 15, Phao-lô phát họa làm thế nào Phúc âm biến đổi người tin và cách cư xử của họ được thay đổi nhờ sự biến hóa đó. Rồi ông tiếp tục mô tả thế nào người tin sẽ sống: không phải sống dưới luật pháp, nhưng dưới ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu người tin sống vâng phục Đức Chúa Trời, sử dụng đúng quyền hạn được giao phó, (12:9–21; 13:1–10) học hỏi Thánh Kinh, (chia sẻ những điều đó với người chưa tin) và yêu mến mọi người, người tin sẽ không cần phạm tội. Như Thánh Phao-lô nói trong (13:10): "yêu thương không làm hại người lân cận mình; nhưng yêu thương làm trọn luật pháp."

Điều quan trọng cần lưu ý là Phao-lô không bảo những người tin rằng yêu thương là tất cả, mà không cần nhận món quà của Chúa Cứu Thế (8:1 "Vì chẳng có sự đoán phạt nào cho những người ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu" và 5:1: "Được xưng công bình bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu"). Mọi người vẫn còn sống dưới ách nô lệ của tội lỗi (5:12–17: "vì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người, vì mọi người đều phạm tội.") và không thể kinh nghiệm tình yêu thương trừ khi qua Chúa Giê-xu.

Những câu kết luận

Những câu kết gồm bản mô tả kế hoạch du hành và những lời chúc cá nhân của Thánh Phao-lô. Một phần ba trong số 21 người được nêu tên trong những lời chào là phụ nữ, nhiều người đã giữ vai trò quan trọng trong hội thánh đầu tiên tại Rô-ma.